Toán tử so sánh trong JavaScript

Cập nhật ngày 07/11/2021

Qua bài viết trước, bạn đã biết toán tử là gì, cũng như các loại toán tử trong JavaScript giúp cho việc tính toán. Tiếp theo, mình sẽ tìm hiểu về toán tử so sánh trong JavaScript.

Cụ thể, bài viết này tập trung vào tìm hiểu toán tử so sánh là gì, các loại toán tử so sánh trong JS, kết quả của phép so sánh và một số trường hợp đặc biệt (dễ nhầm lẫn) khi so sánh.

Toán tử so sánh là gì?

Toán tử so sánh là toán tử hai ngôi dùng để so sánh giá trị của hai toán hạng với nhau.

Các toán tử so sánh trong JavaScript bao gồm:

  • Toán tử so sánh lớn hơn > và toán tử so sánh nhỏ hơn <.
  • Toán tử so sánh lớn hơn hoặc bằng >= và toán tử so sánh nhỏ hơn hoặc bằng <=.
  • Toán tử so sánh bằng "không nghiêm ngặt" == và toán tử so sánh bằng "nghiêm ngặt" ===.
  • Toán tử so sánh khác "không nghiêm ngặt" != và toán tử so sánh khác "nghiêm ngặt" !==.

📝 Chú ý:

Toán tử so sánh bằng có hai (hoặc ba) dấu bằng.

Bạn chú ý để tránh nhầm lẫn với toán tử gán - chỉ có một dấu bằng =.

Ví dụ các phép toán so sánh:

let a = 1;
let b = 2;

a > b; // so sánh lớn hơn
a < b; // so sánh lớn hơn
a >= b; // so sánh lớn hơn hoặc bằng
a <= b; // so sánh nhỏ hơn hoặc bằng
a == b; // so sánh bằng không nghiêm ngặt
a === b; // so sánh bằng nghiêm ngặt
a != b; // so sánh khác không nghiêm ngặt
a !== b; // so sánh khác nghiêm ngặt

Kết quả của phép so sánh

Kết quả của phép so sánh luôn là một giá trị kiểu boolean.

  • true: đúng, chính xác
  • false: sai, không chính xác

Ví dụ:

console.log(5 > 6); // false (sai)
console.log(5 < 6); // true (đúng)
console.log(5 >= 6); // false (sai)
console.log(5 <= 6); // true (đúng)
console.log(5 == 6); // false (sai)
console.log(5 === 6); // false (sai)
console.log(5 != 6); // true (đúng)
console.log(5 !== 6); // true (đúng)

Bạn có thể gán kết quả của phép so sánh cho một biến khác:

let ret = 6 > 9;
console.log(ret); // false (sai)

So sánh string

Quy tắc so sánh hai string trong JavaScript cũng giống như hầu hết các ngôn ngữ lập trình khác. Đó là so sánh theo thứ tự "từ điển". Hay nói cách khác là so sánh từng chữ cái một (từ trái sang phải).

Ví dụ so sánh các string:

console.log("A" < "Z"); // true
console.log("Small" < "Smart"); // true
console.log("Big" < "BigBang"); // true

Tóm tắt thuật toán so sánh hai string như sau:

So sánh kí tự đầu tiên của hai string.

  • Nếu kí tự đầu tiên của string(1) lớn hơn (hoặc nhỏ hơn) kí tự đầu tiên của string(2) thì string(1) lớn hơn (hoặc nhỏ hơn) string(2). Suy ra, so sánh kết thúc.
  • Ngược lại, nếu hai kí tự đầu tiên bằng nhau thì tiếp tục so sánh đến các kí tự thứ hai.

Lặp lại việc so sánh như trên, cho đến khi so sánh kết thúc kết thúc hoặc đã so sánh hết các kí tự của ít nhất một string.

  • Nếu hai string có cùng độ dài thì chúng bằng nhau.
  • Ngược lại, string nào dài hơn thì string đó lớn hơn.

Trong ví dụ so sánh "A" < "Z" kết quả là true. Quá trình so sánh dừng lại ở bước một.

Trong ví dụ so sánh "Small" < "Smart" kết quả là true. Quá trình so sánh lặp lại nhiều lần.

  1. Kí tự đầu tiên S là giống nhau
  2. Kí tự thứ hai m cũng giống nhau
  3. Kí tự thứ ba a cũng giống nhau
  4. Kí tự thứ tư l nhỏ hơn r. Suy ra, string "Small" nhỏ hơn string "Smart".

Trong ví dụ so sánh "Big" < "BigBang" kết quả là true. Quá trình so sánh cùng lặp lại nhiều lần. Ba kí tự đầu tiên là "Big" đều giống nhau. Lúc này, string "Big" kết thúc. Trong khi, string "BigBang" còn thêm các kí tự "Bang" (độ dài string lớn hơn). Suy ra, string "Big" nhỏ hơn string "BigBang".

📝 Chú ý:

Để so sánh hai kí tự với nhau, JavaScript so sánh giá trị của hai kí tự (dạng số) ở bảng mã Unicode.

Trong bảng mã này, ta có thứ tự 0 < 9 < A < Z < a < z.

Ngoài việc so sánh các chữ cái Latinh ra thì JavaScript còn có thể so sánh các chữ cái không phải Latinh.

So sánh khác kiểu dữ liệu

Khi so sánh các toán hạng khác kiểu dữ liệu, JavaScript chuyển đổi giá trị các toán hạng ra dạng số, ví dụ:

console.log("5" > 4); // true, vì "5" chuyển thành 5
console.log("01" == 1); // true, vì "01" chuyển thành 1
console.log("11" == 1); // false, vì "11" chuyển thành 11

Đối với kiểu dữ liệu boolean, true sẽ chuyển thành 1false chuyển thành 0.

console.log(true == 1); // true
console.log(false == 0); // false

Việc so sánh khác kiểu dữ liệu sử dụng toán tử bằng "không nghiêm ngặt" == dẫn đến một số trường hợp "phi logic", ví dụ:

console.log("" == 0); // true
console.log("0" == 0); // true
console.log("" == "0"); // false

Kì lạ phải không?

Nếu theo tính chất "bắc cầu" trong toán học thì nếu "" == 0true"0" == 0true, suy ra "" == "0" cũng phải là true (vì cùng bằng 0).

Nhưng thực tế lại không phải như vậy, hai phép so sánh đầu tiên là so sánh khác kiểu dữ liệu, nên """0" đều được chuyển thành dạng số và bằng 0.

Trong khi phép so sánh thứ ba là so sánh cùng kiểu dữ liệu, nên không có quá trình chuyển đổi dữ liệu xảy ra. Dẫn đến, kết quả của phép so sánh cuối là false.

Để giải quyết vấn đế này, JavaScript tạo ra toán tử so sánh bằng "nghiêm ngặt" ===.

So sánh bằng nghiêm ngặt

Đối với toán tử so sánh bằng "nghiêm ngặt", JavaScript sẽ không thực hiện chuyển đổi kiểu dữ liệu.

Nói cách khác, hai giá trị khác kiểu dữ liệu thì luôn khác nhau, ví dụ:

// So sánh bằng không nghiêm ngặt
console.log("" == 0); // true

// So sánh bằng nghiêm ngặt
console.log("" === 0); // false

Tương tự với so sánh bằng nghiêm ngặt, JavaScript cũng có so sánh khác nghiêm ngặt, ví dụ:

// So sánh khác không nghiêm ngặt
console.log("" != 0); // false

// So sánh khác nghiêm ngặt
console.log("" !== 0); // true

💡 Để tránh mắc phải những lỗi sai ngớ ngẩn khi so sánh trong JavaScript, bạn nên sử dụng toán tử so sánh bằng "nghiêm ngặt" === và toán tử so sánh khác "nghiêm ngặt" !==.

So sánh với nullundefined

Khác với các kiểu dữ liệu khác, việc so sánh nullundefined thường không rõ ràng cho lắm.

Khi sử dụng toán tử so sánh bằng "nghiêm ngặt" === thì dĩ nhiên là hai giá trị này khác nhau. Vì chúng khác kiểu dữ liệu.

console.log(null === undefined); // false

Nhưng khi sử dụng toán tử so sánh bằng "không nghiêm ngặt" == thì kết quả lại là true.

console.log(null == undefined); // true

Thực tế, JavaScript đã quy định nullundefined là bằng nhau (với trường hợp ==). Và chúng không bằng (==) các giá trị khác.

Khi sử dụng các toán tử so sánh >, <, >=<= thì sao?

Hai giá trị này sẽ được chuyển sang dạng số. Cụ thể null chuyển thành 0undefined chuyển thành NaN.

Khi sử dụng các toán tử so sánh >, <, >=<= với nullundefined thì kết quả đều false hết.

console.log(null > undefined); // false
console.log(null < undefined); // false
console.log(null >= undefined); // false
console.log(null <= undefined); // false

Bây giờ, mình thử so sánh hai giá trị này với số 0 xem có gì kỳ lạ không nào!

So sánh null với 0

console.log(null > 0); // false (1)
console.log(null >= 0); // true (2)
console.log(null == 0); // false (3)

Trong các phép so sánh (1), (2), null chuyển thành số 0 nên ta có đáp án lần lượt là falsetrue. Nhưng ở phép so sánh (3), null không chuyển thành 0 nên kết quả là false.

Đây lại là một điều khá "phi logic". Vì theo kết quả trên thì null lớn hơn hoặc bằng 0 (sử dụng >=), nhưng lại không bằng 0 (sử dụng ==).

So sánh undefined với 0

console.log(undefined > 0); // false (1)
console.log(undefined >= 0); // false (2)
console.log(undefined == 0); // false (3)

Kết quả là false hết.

Trong các phép so sánh (1) và (2), undefined chuyển thành NaN nên chắc chắn khác 0. Trong khi phép so sánh (3), undefined không bằng (==) 0. Vì như mình đã nói ở trên, undefined chỉ bằng (==) null mà thôi.

💡 Để tránh những tình huống "phi logic" trên, bạn chỉ nên so sánh null hoặc undefined khi sử dụng toán tử so sánh bằng "nghiêm ngặt" (===) hoặc toán tử so sánh khác "nghiêm ngặt" (!==).

Không nên sử dụng toán tử >, <, >=<= với nullundefined.

Trường hợp một biến có thể null hoặc undefined thì bạn nên kiểm tra giá trị có bằng null hoặc undefined hay không để xử lý trước. Khi biến khác nullundefined rồi thì mới thực hiện so sánh với các toán tử >, <, >=<= sau.

Thứ tự ưu tiên của các toán tử so sánh

Các toán tử so sánh có thứ tự ưu tiên giống nhau. Khi trong biểu thức có nhiều toán tử so sánh, thứ tự thực hiện là từ trái sang phải.

Ví dụ:

console.log(3 > 2 > 1); // false

Thoạt đầu nhìn qua, bạn sẽ thấy kết quả trên là vô lý phải không?

Vì theo toán học thì chắc chắn số 3 lớn hơn số 2 và số 2 lớn hơn số 1, nên kết quả (2) phải bằng true mới hợp lý.

Nhưng nếu bạn áp dụng đúng quy tắc thứ tự ưu tiên vào đây, bạn sẽ thấy kết quả trên là hoàn toàn đúng.

Vì JavaScript sẽ thực hiện so sánh hai số đầu tiên trước, 3 > 2 là đúng nên kết quả của phép so sánh này là true. Khi đó, mình có thể viết lại như sau:

console.log(true > 1); // false

Rõ ràng, đây là phép so sánh hai kiểu dữ liệu khác nhau. Vì vậy, true được chuyển thành dạng số và bằng 1. Mà 1 > 1false.

Tóm lại, kết quả của phép so sánh trên là false.

💡 Khi thực hiện tính toán, so sánh với các toán tử, bạn phải ghi nhớ thứ tự ưu tiên của các toán tử để biết chính xác thứ tự thực hiện của các phép toán.

Trường hợp bạn không chắc chắn về thứ tự thực hiện, bạn nên sử dụng cặp dấu ngoặc đơn (...) (toán tử nhóm) để thực hiện phép toán một cách chính xác.

Đoạn code trên có thể viết lại thành console.log((3 > 2) > 1). Ở đây, mình đã nhóm 3 > 2 thành một nhóm, nên chắc chắn phép toán này thực hiện trước.

Nếu muốn 2 > 1 thực hiện trước bạn viết lại thành console.log(3 > (2 > 1)). Kết quả của câu lệnh này là true.

Tổng kết

Sau đây là những kiến thức cơ bản cần nhớ về toán tử so sánh trong JavaScript:

  • Toán tử so sánh là toán tử hai ngôi dùng để so sánh giá trị của hai toán hạng với nhau. Và các toán tử so sánh trong JavaScript bao gồm:
    • Toán tử so sánh lớn hơn > và toán tử so sánh nhỏ hơn <.
    • Toán tử so sánh lớn hơn hoặc bằng >= và toán tử so sánh nhỏ hơn hoặc bằng <=.
    • Toán tử so sánh bằng "không nghiêm ngặt" == và toán tử so sánh bằng "nghiêm ngặt" ===.
    • Toán tử so sánh khác "không nghiêm ngặt" != và toán tử so sánh khác "nghiêm ngặt" !==.
  • Kết quả của phép so sánh là giá trị kiểu boolean.
  • Khi so sánh string, JavaScript thực hiện so sánh từng kí tự từ trái sang phải.
  • Khi so sánh các giá trị với kiểu dữ liệu khác nhau, JavaScript chuyển các giá trị đó thành dạng số (trừ trường hợp so sánh với toán tử bằng "nghiêm ngặt" === và toán tử khác "nghiêm ngặt" !==).
  • Hai giá trị nullundefined bằng nhau (khi sử dụng toán tử ==) và luôn khác các giá trị còn lại.
  • Không nên sử dụng toán tử >, <, >=<= với nullundefined. Nếu các biến có thể bằng null hoặc undefined thì bạn nên kiểm tra giá trị có bằng null hoặc undefined hay không để xử lý trước. Khi biến khác nullundefined rồi thì mới thực hiện so sánh với các toán tử >, <, >=<= sau.
  • Thứ tự ưu tiên của các toán tử so sánh là giống nhau. Nếu trong câu lệnh có nhiều toán tử so sánh thì thứ tự thực hiện là từ trái sang phải.

Thực hành

Kết quả của các phép so sánh sau là gì?

console.log(15 > 9); // (1)
console.log("no" <= "none"); // (2)
console.log("3" >= "24"); // (3)
console.log("3" > 24); // (4)
console.log(null < undefined); // (5)
console.log(undefined == null); // (6)
console.log(undefined === null); // (7)
console.log(null == "\n0\n"); // (8)
console.log(null === +"\n0\n"); // (9)
console.log(null > -1); // (10)
console.log(15 > 9); // true
console.log("no" <= "none"); // true
console.log("3" >= "24"); // true
console.log("3" > 24); // false
console.log(null < undefined); // false
console.log(undefined == null); // true
console.log(undefined === null); // false
console.log(null == "\n0\n"); // false
console.log(null === +"\n0\n"); // false
console.log(null >= -1); // true

Giải thích:

  1. Hiển nhiên số 15 lớn hơn số 9.
  2. Đây là so sánh hai string. Quy trình là so sánh kí tự lần lượt từ trái sang phải. Thành phần "no" giống nhau. Suy ra "none" lớn hơn "no""none" nhiều kí tự hơn.
  3. Đây cũng là so sánh hai string. Kí tự đầu tiên "3" lớn hơn kí tự "2" nên suy ra "3" lớn hơn "24".
  4. Đây là so sánh hai kiểu dữ liệu khác nhau. Do đó, string "3" sẽ chuyển thành số 3. Hiển nhiên số 3 nhỏ hơn số 24.
  5. Hai giá trị nullundefined chỉ bằng nhau khi sử dụng toán tử ==. Còn lại sẽ khác nhau và khác các giá trị khác. Nên kết quả là false.
  6. Giải thích tương tự như (5).
  7. Giải thích tương tự như (5).
  8. Giải thích tương tự như (5).
  9. Giải thích tương tự như (5).
  10. Khi sử dụng toán tử > giữa null và một số, giá trị null sẽ chuyển thành dạng số và bằng số 0. Mà hiển nhiên, số 0 sẽ lớn hơn số -1. Vì vậy, đáp án là true.

★ Nếu bạn thấy bài viết này hay thì hãy theo dõi mình trên Facebook để nhận được thông báo khi có bài viết mới nhất nhé:

Toán tử là gì? Các toán tử trong JavaScript
Toán tử logic trong JavaScript
Chia sẻ:

Bình luận